Tại phiên họp buổi sáng Đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, Vũ Huy Hoàng, xoay quanh các nhóm vấn đề về tình trạng thiếu điện trong phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; tình hình một số thương lái nước ngoài vào nước ta thu mua nông sản, thuỷ, hải sản một cách ồ ạt, làm rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước. Tình hình xuất khẩu khoáng sản lậu thông qua đường tiểu ngạch vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiệm môi trường, làm thất thu ngân sách nhà nước. Điệp khúc “được mùa mất giá” trong thời gian qua, việc người tiêu dùng Việt Nam phải mua hàng hoá với giá cao hơn thị trường rất nhiều ai chịu trách nhiệm và một số vấn đề khác.
Ông Trương Minh Hoàng, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương
Trả lời về giải pháp tháo gỡ trạng thương lái nước ngoài thu mua nông, thuỷ sản… một cách ồ ạt, gây rối loạn thị trường, Bộ trưởng Bộ Công thương, Vũ Huy Hoàng nêu việc đầu tiên cần làm là củng cố hệ thống pháp lý vững chức về công tác quản lý mua bán trong nước, nhằm quản lý tốt hơn việc các thương lái nước ngoài vào nước ta thu mua sản phẩm mà không gây ảnh hưởng đến việc giao lưu thương mại quốc tế, tăng cường công tác kiểm soát việc giao thương tại các địa phương; Bộ trưởng đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động mua hàng hoá của thương nhân nước ngoài, tăng cường kiểm tra kiểm soát hoạt động mua bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài, tăng cường công tác phối hợp để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, lưu trú, hoạt động thương mại..., đồng thời tăng cường công tác liên doanh, liên kết sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp, cũng như quy hoạch sản xuất hợp lý, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt, phá vở quy hoạch.
Về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện trong phục vụ sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng cho biết: trong vài năm trở lại đây tình hình nuôi tôm công nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển rất nhanh, không theo quy hoạch vì vậy tình hình cung cấp điện không đáp ứng nhu cầu sản xuất vì vậy nhu cầu về lưới điện phục vụ sản xuất là cần thiết. Tuy nhiên, để đầu tư lưới điện đáp ứng nhu cầu sản xuất phải tốn kinh phí rất lớn; hiện nay nhà nước đã giao cho ngành điện nhiệm vụ đầu tư hạ tầng hệ thống điện. Trong khi nguồn lực của ngành điện còn hạn chế, nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu điện của người dân. Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường công tác vận động, thu hút các dự án quốc tế, các ngân hàng, doanh nghiệp trong nước đầu tư cho ngành điện, bên cạnh đó các địa phương cần chủ động đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, trước mắt tạm ứng vốn cho ngành điện đầu tư hệ thống điện, làm tốt công tác quy hoạch, tránh tình trạng người dân tự ý phá vỡ quy hoạch.
Về tình hình xuất khẩu lậu khoáng sản Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo việc cấm xuất khẩu các loại khoáng sản thô, trừ dầu mỏ và than đá. Tuy nhiên ở nước ta, khoáng sản tập trung chủ yếu ở miền núi, vùng biên giới nên công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, vẫn còn xảy ra tình trạng xuất khẩu lậu khoáng sản như đại biểu phản ánh. Trong thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý vấn đề này; điều chỉnh, bổ sung chính sách, tiêu chuẩn xuất khẩu khoáng sản theo hướng quản lý chặt việc xuất khẩu khoáng sản, không xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp xuất khẩu khoáng sản trái phép.
Về tình trạng “được mùa mất giá” của người nông dân thời gian qua, việc người tiêu dùng Việt Nam phải mua hàng hoá với giá cao hơn thị trường rất nhiều ai chịu trách nhiệm, Bộ trưởng nhận một phần trách nhiệm về Bộ Công thương, Bộ trưởng cho biết trong thời gian qua Bộ đã xúc tiến nhiều giải pháp, đàm phán quốc tế về giao dịch thương mại nhằm làm tăng giá trị hàng hoá của nông dân. Tuy nhiên Bộ trưởng cho rằng trong thời buổi kinh tế thị trường, giao thương hàng hoá quốc tế nên việc kiểm tra, kiểm soát giá cả gặp nhiều khó khăn, trong thời gian tới Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bình ổn giá cả thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, làm giá… Đồng thời Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới cần phát huy vai trò kinh tế tập thể, liên doanh, liên kết trong sản xuất, tăng cường chức năng quản lý nhà nước, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành chức năng bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo lợi ích của người nông dân và người tiêu dùng.
Trả lời vấn đề về trách nhiệm “Quản lý nhà nước về lĩnh vực xăng, dầu và việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu”, Bộ trưởng cho biết đối với nguồn cung xăng dầu cho tiêu thụ nội địa, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục theo dõi, quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo nguồn, ổn định hệ thống phân phối. Thời gian qua, xăng dầu phục vụ tiêu thụ nội địa đã được đáp ứng đầy đủ nhu cầu xăng dầu cho sản xuất của doanh nghiệp cũng như tiêu dùng của nhân dân; mặt hàng xăng dầu được lưu thông thông suốt, không xảy ra tình trạng đứt nguồn cung trong hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn cả nước.
Theo kế hoạch, chiều nay Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về các vấn đề liên quan.
Thanh Mộng